Vạn vật trên đời, thứ giống với Đạo trong con mắt của Lão Tử nhất chính là nước. Trong mắt Lão Tử, nước là thứ gần nhất với Đạo. Ở chương thứ tám của Đạo Đức Kinh có câu “Thượng thiện nhược thủy”, người có đức cao thì giống như nước. Nước có khả năng giúp ích cho vạn vật mà không tranh giành, ở nơi mà mọi người ghét bỏ, vì vậy nó cư ngụ tại chỗ thấp. Khi Lão Tử lần đầu tiên đề cập đến nước, ông đã sử dụng hai chữ “thượng thiện” để mô tả, không chút che giấu sự tán dương đối với nước. Đạo Đức Kinh có hơn 5000 chữ, hiểu được đạo của nước sẽ giúp ta dễ dàng hơn trong việc hiểu Đạo mà Lão Tử nói đến. Vậy rốt cuộc nước có đức hạnh gì mà khiến một người đại trí tuệ như Lão Tử lại yêu thích đến vậy?
Nước giúp ích cho vạn vật nhưng không tranh giành. Nước tuy mềm mại nhưng có thể trở nên cứng rắn. Sức mạnh của nước mềm nhưng có thể cứng. Trong mắt Lão Tử, nước vô vi nhưng không có gì là không làm được. Nước vô hình nhưng có thể tạo hình. Nó thực hiện những việc không làm mà làm, giảng dạy mà không cần nói. Đây có lẽ là điều hoàn hảo nhất. Trọng mềm, nhẹ cứng là một trong những đặc điểm chính của triết lý Lão Tử và sự mềm mại chính là đặc trưng nổi bật nhất của nước.
Trong triết lý của Lão Tử, đạo của nước thể hiện phẩm chất của sự mềm mại. Mềm là một đặc điểm quan trọng trong triết lý sống của Lão Tử, và nước cực kỳ mềm mại, từ đó thể hiện tư tưởng trọng sự mềm mại của Lão Tử.
Đạo Đức Kinh chương 78 nói rằng: “Thiên hạ không có gì mềm yếu hơn nước, nhưng để công phá sự cứng mạnh thì không gì thắng nổi nước”. Mặc dù nước rất mềm yếu, nhưng khi đối mặt với những thứ cứng mạnh, không có gì có thể vượt qua nó. Mọi người đều biết rằng sự mềm yếu có thể thắng sự cứng mạnh, nhưng ít ai có thể thực sự làm được. Sự mềm mại của nước không phải là yếu đuối, mà là sức mạnh kiên cường và bền bỉ. Mềm là quy luật của nước, đồng thời cũng là biểu tượng của sức mạnh trong mắt Lão Tử. Mềm không phải là nhu nhược và yếu đuối, mà là sự kiên nhẫn, linh hoạt và khéo léo.
Đạo Đức Kinh chương 76 nói rằng: “Người sống thì mềm yếu, người chết thì cứng rắn. Cỏ cây sống thì mềm mỏng, khi chết thì khô cứng. Do đó kẻ cứng mạnh là đồ chết, kẻ mềm yếu là thuộc về sự sống.” Khi người ta còn sống, cơ thể họ mềm mại, nhưng khi chết, cơ thể trở nên cứng rắn. Cây cỏ khi sinh trưởng thì mềm mại, nhưng khi chết thì khô cứng. Vì vậy, những sinh vật mất đi sự sống trở nên cứng rắn, còn những vật có sức sống lại mềm mại. Sự mềm mại của nước không phải là yếu đuối, mà ẩn chứa trong đó sức mạnh kiên cường và bền bỉ vô song.
Sự mềm mại trong tính cách của con người thể hiện ở khả năng linh hoạt và thích nghi. Chỉ có những người linh hoạt mới có thể tiến lùi tùy thời, dễ dàng ứng phó với mọi tình huống. Chính sự mềm dẻo này là biểu hiện của sức mạnh thực sự trong nhân cách. Tính mềm yếu nhưng lại chứa đựng sức mạnh vô tận, giống như cây cung được căng, cung càng dẻo, mũi tên bắn ra càng xa. Vì vậy, sự yếu mềm của nước không phải là yếu đuối, mà là sự dẻo dai, kiên cường, ẩn chứa sức sống và khả năng sáng tạo vô tận.
Đạo của nước là lợi tha. Lão Tử nói rằng nước lợi vạn vật mà không tranh. Vạn vật trên thế gian nếu thiếu nước sẽ không thể sinh trưởng. Nước ở trên trời thì hóa thành mưa tuyết rơi xuống đất thì nuôi dưỡng vạn vật. Tất cả đều thể hiện tinh thần lợi tha của nước. Chính vì nước giúp ích cho vạn vật mà không tranh giành nên nước là cội nguồn của vạn vật và là nguồn sống.
Đạo Đức Kinh chương 81 nói rằng: “Thánh nhân không tích lũy, càng giúp đỡ người khác bản thân lại càng đủ đầy, càng cho người khác bản thân lại càng giàu có.” Người có trí huệ không tích lũy của cải. Họ tận lực giúp đỡ người khác, bản thân lại càng giàu có. Trời giúp ích cho vạn vật mà không hại vật nào, và người có Đạo giúp đỡ người khác mà không tranh giành.
Trong thế gian, mọi người đều nghĩ đến cách tích lũy của cải, nhưng Lão Tử lại dạy chúng ta một cách làm giàu khác. Người thực sự có trí tuệ không nằm ở việc tích lũy bao nhiêu của cải, bởi vì của cải tích lũy luôn có giới hạn. Lợi tha chính là cung cấp giá trị cho người khác và nhờ đó mà bản thân càng trở nên giàu có hơn.
Trong xã hội hiện đại, chúng ta luôn nghe đến từ cạnh tranh, nhưng lại không biết rằng quy luật của Thiên Đạo hoàn toàn ngược lại. Một người không tranh giành, khiêm nhường và tạo giá trị cho người khác, ngược lại sẽ nhận được nhiều hơn. Nếu chỉ chăm chăm tự lo cho mình, tranh giành không ngừng, có thể cuối cùng chẳng nhận được gì. Thực tế là khi bạn cho đi, bạn cũng đang nhận lại. Lợi tha chính là hình thức cao nhất của lợi kỷ. Khi bạn kiên trì cho đi, chắc chắn bạn sẽ thu được rất nhiều, như câu nói “giúp người thì người sẽ giúp lại”.
Một người cống hiến mà không mong đợi sự đền đáp, một người không mất mà không mong được, một người kiên trì làm việc thiện thì phước lành sẽ ngày càng nhiều. Đó chính là nguyên lý “vô vi nhi vô bất vi”, không làm mà không gì không làm được.
Bảy tầng cảnh giới của nước trong chương thứ tám của Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã mô tả một cách chi tiết về “thượng thiện nhược thủy”, liệt kê bảy phẩm chất tốt đẹp và cảnh giới của đời người mà nước đại diện: Cư thiện địa (ở nơi tốt), tâm thiện uyên (tâm như vực sâu), giữ thiện nhân (sống hòa hợp với người), ngôn thiện tín (nói lời đáng tin), chính thiện trí (cai trị tốt), sự thiện năng (làm việc hiệu quả), động thiện thời (hành động đúng lúc). Lão Tử đã từ từ giới thiệu về những phẩm chất của nước và đưa ra hàng loạt triết lý sống và cảnh giới trong đời. Điều này không nghi ngờ gì nữa đã mang lại những giá trị nhận thức và gợi mở quan trọng trong việc đối nhân xử thế của chúng ta.