Đạo Đức Kinh chia thành hai phần: Đạo Kinh và Đức Kinh. Đạo và Đức tuy không thể tách rời nhưng lại mang ý nghĩa khác nhau. Vậy Đức có nghĩa là gì trong mắt Lão Tử? Một người tốt theo tiêu chuẩn của Lão Tử là như thế nào? Và làm sao để nhận ra một người có Đức?
Một số học giả cho rằng Đạo Đức Kinh nên được gọi là Đức Đạo Kinh, cho thấy vai trò quan trọng của Đức Kinh trong hệ thống triết học của Lão Tử. Tư tưởng Đạo gia dùng “Đạo” để khám phá mối quan hệ giữa tự nhiên, xã hội và con người. Vậy tại sao Lão Tử lại viết thêm Đức Kinh? Liệu “Đức” có phải là ý chỉ người tốt hay không? Người tốt là người như thế nào?
Trong thời cổ đại, người ta cho rằng đạt được tiêu chuẩn của thánh nhân, nghĩa, trí, dũng thì có thể gọi là người tốt, là người có Đức. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị phản bác. Không có tiêu chuẩn cố định nào cho người tốt. Mỗi người nhìn nhận người tốt theo cách khác nhau. Vậy nên chúng ta mới bối rối về việc liệu có nên trở thành người tốt hay không.
Theo Lão Tử, Đạo là quy luật vận hành của thế giới, còn Đức là việc hành động theo quy luật đó. Chương 38 của Đạo Đức Kinh viết: “Thượng Đức bất Đức, thị dĩ hữu Đức; hạ Đức bất thất Đức, thị dĩ vô Đức.” Nghĩa là người có Đức lớn không khoe khoang, thể hiện mình có Đức, chính vì vậy mà họ có Đức. Người làm việc tốt thật sự là xuất phát từ tấm lòng, không phải vì danh tiếng hay lợi ích. Đây mới là người có Đức thật sự.
Lão Tử nói: “Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trường nhi bất tể, thị vị Huyền Đức.” Nghĩa là nuôi dưỡng vạn vật, giúp chúng phát triển nhưng không chiếm hữu, làm chủ vạn vật mà không thống trị. Đây chính là Huyền Đức. Giống như nuôi dạy con cái nhưng không xem chúng là tài sản, không can thiệp vào cuộc sống của chúng, để chúng tự do sống cuộc đời riêng. Đây mới là Thượng Đức.
Lão Tử nói tiếp: “Hạ Đức bất thất Đức, thị dĩ vô Đức.” Người có hạ Đức khoe khoang về đức hạnh của mình thì thật ra đã không còn Đức. Nếu một người liên tục cố gắng để mọi người biết mình là người có Đức, thì thực ra người đó đã trở thành người vô Đức.
Nho gia luôn khuyến khích mọi người trở thành người có Đức. Xã hội phong kiến đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức nghiêm ngặt như Tam Cương, Ngũ Thường. Nho gia đề cao những tiêu chuẩn Đức này và kêu gọi mọi người tuân theo. Tuy nhiên, theo Lão Tử, những chuẩn mực đạo đức đó có thể trở thành công cụ để kẻ cầm quyền cai trị.
Con người khi sinh ra đã mang trong mình những bản tính tự nhiên. Mọi người đều khao khát tự do và bình đẳng. Nhưng nếu ai đó cố gắng tạo dựng hình ảnh người tốt cho mình thì thực ra họ đã trở thành người vô Đức hoặc ngụy quân tử.
Thế giới có quy luật vận hành riêng. Khi con người sinh ra, họ có thiên tính của mình. Nhưng để tuân theo tiêu chuẩn đạo đức của Nho gia và được người lớn tuổi công nhận, con người buộc phải học cách giả tạo, giả vờ trở thành người tốt theo quan niệm xã hội. Liệu điều đó có thực sự là có Đức?
Chúng ta tiếp tục đọc chương 38 của Đạo Đức Kinh: “Thượng Đức vô vi nhi vô dĩ vi; hạ Đức vi chi nhi hữu dĩ vi.” Người có Thượng Đức thuận theo tự nhiên, không cố ý can thiệp hay hành động, do đó họ không bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn đạo đức cố định. Ngược lại, người có hạ Đức luôn thể hiện mình là người đạo mạo và cố tình hành động theo những tiêu chuẩn đó.
Sự khác biệt giữa Thượng Đức và hạ Đức là: Thượng Đức hành động tự nhiên, không cố tình theo đuổi tiêu chuẩn cụ thể; còn hạ Đức luôn hành động với mục đích đạt được chuẩn mực đạo đức nào đó nhưng cuối cùng lại phá vỡ quy luật tự nhiên.
Lão Tử nói: “Thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ.” Khi xã hội đánh mất Đạo, đó là lúc con người bắt đầu đề cao đức hạnh. Nghĩa là khi con người không còn tôn trọng quy luật tự nhiên, họ cần đến những tiêu chuẩn đạo đức để kiềm chế lẫn nhau. Nếu Đức cũng chỉ là khẩu hiệu thì Nhân sẽ xuất hiện. Khi mất đi Nhân, con người phải dựa vào Nghĩa. Khi Nghĩa không còn nữa thì Lễ xuất hiện.
Lão Tử nói: “Phù lễ giả, trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ.” Lễ là kết quả của sự thiếu trung thực và tín nghĩa, và cũng là khởi đầu của sự rối loạn.
Vậy mối quan hệ giữa Đức và Đạo là gì? Đức trong Đạo Đức Kinh không giống với ý nghĩa hiện nay về đạo đức. Trong Đạo Đức Kinh, Đức là biểu hiện của Đạo trong vạn vật và trong thế giới. Đó là cách con người sống theo quy luật tự nhiên và tuân theo các nguyên tắc khách quan của Đạo. Đức là sự hòa hợp với Đạo. Đức là trung gian giữa Đạo và vạn vật. Đức thể hiện tính tự nhiên của vạn vật.
Nguyên tắc trong mối quan hệ giữa con người và vạn vật là Vô Vi. Lão Tử nói: Vô Vi là không vi phạm quy luật tự nhiên, hành động theo đúng bản chất và quy luật của vạn vật. Vạn vật trong trạng thái tự nhiên phát triển theo Đạo của chúng và đó chính là Đức của vạn vật. Khi con người tuân theo bản tính của mình và hành động theo Đạo tự nhiên, đó chính là Thượng Đức của con người.